Trích: Bản tin nhanh VLA số 100 ngày 15/04/2024
TIN TRONG NƯỚC
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…; triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Đồng thời, giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước. Chính phủ giao Bộ Tài chính kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT để báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.
UBND tỉnh Bình Định vừa quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 tại phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn (giai đoạn 1). Dự án do Công ty CP Cảng Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 sẽ mở rộng các hạng mục như khu kho chứa hàng, khu bãi hàng, bãi container, khu hạ tầng kỹ thuật cảng. Theo đó, quyết định điều chỉnh vốn đầu tư của dự án từ 50 tỷ đồng lên 67,7 tỷ đồng. Theo quyết định điều chỉnh, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành cũng có sự điều chỉnh. Cụ thể, từ quý II/2021 - IV/2023 sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư để được bàn giao mặt bằng; Quý I/2024 - II/2024 tiến hành đầu tư hạ tầng hạng mục bãi chứa hàng; Quý II/2024 - III/2024 sẽ đầu tư hạng mục đường giao thông. Từ quý IV/2024 - I/2025, tiến hành đầu tư mua sắm thiết bị xếp dỡ và hoàn thành các hạng mục còn lại đưa dự án đi vào hoạt động.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm.
Cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 DWT và tàu 50.000 DWT được giảm tải. Trong định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng Quy Nhơn sẽ được thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hạ tầng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu kinh tế và khu công nghiệp chiếm trên 90%. Thành phố Hải Phòng đã có khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành lập năm 2008 với diện tích trên 22.000 ha. Có hệ thống quy hoạch các khu công nghiệp với tổng diện tích trên 13.000 ha. Khu kinh tế này đã được Trung ương và các cơ quan bên ngoài đánh giá là khu kinh tế ven biển thành công nhất Việt Nam hiện nay.
Với quan điểm không chỉ phát triển riêng cho Hải Phòng mà với vai trò là trung tâm nên phải dẫn dắt phát triển cho cả vùng. Do đó, các khu kinh tế được thành lập cần thực hiện chức năng là động lực phát triển cho cả vùng. Chính vì vậy, với kinh nghiệm xây dựng thành công khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải hiện có và các dự án động lực mới hình thành ở phía Nam thành phố, Hải Phòng quyết định trình Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế mới phía Nam ngay trong năm 2024. Khu kinh tế này có diện tích trên 20.000 ha. Trong lòng khu kinh tế mới sẽ có khu thương mại tự do có diện tích rộng khoảng 1.000 ha... đây là điểm nhấn của khu kinh tế phía Nam. Theo lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế, các dự án là động lực cho khu kinh tế mới chính là cảng nước sâu phía Nam Đồ Sơn có năng lực thông quan hàng hoá tương tự cảng Lạch Huyện hiện nay. Đồng thời, ngay trong khu kinh tế phía Nam thành phố có sân bay quốc tế Tiên Lãng được quy hoạch là dự bị cho sân bay Nội Bài.
Đặc biệt, trong khu kinh tế này có 1 tuyến đường cao tốc ven biển đang được xây dựng nối từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng ra Quảng Ninh. Đây chính là tuyến đường cao tốc ven biển mới ở Việt Nam.
Đại diện thành phố Hải Phòng cho biết, dù khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã rất thành công nhưng vẫn được ví như khách sạn hạng trung, còn khu kinh tế phía Nam được xây dựng sau song sẽ tương đương khách sạn 5-6 sao. Ở đó địa phương sẽ tập trung có cơ chế chính sách vượt trội để thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao vào khu kinh tế này.
Bên cạnh đó, sẽ áp dụng mô hình phát triển mới, hiện đại bao gồm xanh, sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và cộng sinh cộng nghiệp, các chuỗi liên kết… đều được tập trung ở khu kinh tế phía Nam này, nhất là với các ngành hàng mới như bán dẫn, chíp điện tử, nghiên cứu và chế tạo, đào tạo và giáo dục, thương mại tự do…
TIN QUỐC TẾ
FIATA vừa ra mắt "Hướng dẫn cơ bản về an ninh mạng - Điều hướng bối cảnh kỹ thuật số một cách an toàn". Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, các cuộc tấn công mạng gây ra rủi ro đáng kể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đó là lý do tại sao FIATA, dưới sự bảo trợ của Cơ quan Tư vấn về An toàn và An ninh (ABSS), đã biên soạn một cách tỉ mỉ hướng dẫn thực hành để trang bị cho hội viên kiến thức và nguồn lực cần thiết nhằm củng cố doanh nghiệp của mình.
Cảng Hồng Kông đang bị các liên minh vận tải container lớn loại bỏ dần khỏi danh sách ghé cảng chính trên tuyến vận chuyển Đông - Tây. Tổng quan mạng lưới dịch vụ từ Hợp tác Gemini giữa Maersk và Hapag-Lloyd bắt đầu vào tháng 2 năm 2025 sẽ không ghé trực tiếp cảng nước sâu tại Hồng Kông. Liên minh mới đang tập trung vào các trung tâm trung chuyển quan trọng nơi hai hãng vận tải có lợi ích hoạt động ở các cảng, điều mà họ không có ở Hồng Kông. Mạng lưới dịch vụ cập nhật năm 2024 của Liên minh Ocean Alliance cho thấy số lượng cuộc ghé trực tiếp cảng ở Hồng Kông đã giảm xuống chỉ còn 6 so với 11 trước đó. Mạng lưới dịch vụ tuyến xuyên Thái Bình Dương của Alliance vào năm 2025 cho thấy Hồng Kông chỉ được phục vụ cho một tuyến Châu Á – Bờ Đông Hoa Kỳ duy nhất với các kế hoạch ghé cảng từ tuyến Tây Bắc Thái Bình Dương và Tây Nam Thái Bình Dương bị hủy bỏ. Nguyên nhân của sự suy giảm vị thế thống trị của Hồng Kông với tư cách là cảng container trong hai thập kỷ qua được cho là bởi sự trỗi dậy của các cảng Trung Quốc đại lục hiện nắm giữ 6 trong số 10 vị trí hàng đầu trên toàn cầu.
Hãng vận tải biển khổng lồ A.P. Moller Maersk của Đan Mạch đã tổ chức lễ khánh thành cho tàu container lớn thứ hai chạy bằng nhiên liệu metanol tại Yokohama, Nhật Bản. Astrid Maersk là chiếc thứ hai trong số 18 tàu cỡ lớn chạy bằng nhiên liệu metanol sẽ được giao vào năm 2024 và 2025. Con tàu được đóng bởi Hyundai Heavy Industries (HHI) tại Hàn Quốc. Nó được trang bị động cơ nhiên liệu kép do MAN phát triển để có thể chạy bằng metanol. Tàu container cũng được thiết kế lại để cải thiện khả năng xử lý hàng hóa và tăng sức chứa. Buồng lái đã được chuyển ra phía trước tàu và ống khói được chuyển sang một bên để nâng cao hiệu quả chứa container. Astrid Maersk sẽ đi vào hoạt động trên tuyến AE12 giữa châu Á và châu Âu vào tháng Tư.
(Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam)
https://saigonship.com.vn/upload/files/B%E1%BA%A2N%20TIN%20S%E1%BB%90%20100%20(15_04_2024).pdf